4 thông tin pháp lý bạn cần biết khi xây nhà ở năm 2021
19/04/2021 Đăng bởi: Hà Thu
Khi xây dựng nhà ở vào năm 2021, cá nhân, hộ gia đình cần lưu ý một số quy định pháp luật quan trọng để tránh gặp phải các rắc rối không đáng có. Những thông tin cụ thể sẽ có trong bài viết dưới đây, hãy cùng theo dõi bạn nhé!
Những trường hợp có và không phải xin giấy phép xây dựng
Căn cứ Luật Xây dựng đã được sửa đổi năm 2020, các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ sẽ được miễn giấy phép xây dựng thuộc các trường hợp sau:
- Có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở có quy hoạch chi tiết 1.500 đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn có quy mô dưới 7 tầng, thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền(trừ trường hợp được xây dựng trong khu di tích lịch sử - văn hóa, khu bảo tồn).
Khi xây nhà ở riêng lẻ vào năm 2021, một số trường hợp sẽ phải xin giấy phép xây dựng
- Nhà ở riêng lẻ tại miền núi, hải đảo, không phải khu vực có quy hoạch đô thị, xây dựng khu chức năng(trừ trường hợp nhà ở được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa).
Ngoài những trường hợp này, cá nhân, hộ gia đình trước khi khởi công xây dựng phải có GPXD do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Tại khu vực đô thị
Điều kiện cấp GPXD nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị bao gồm:
- Mục đích sử dụng đất phải phù hợp theo quy định của pháp luật về đất đai, quy chế quản lý kiến trúc được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phải đảm bảo an toàn cho công trình và những công trình lân cận xung quanh. Ngoài ra còn phải bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, giao thông,...
- Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật khi thiết kế xây dựng nhà ở. Bảo đảm an toàn chịu lực, trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và 1 số điều kiện an toàn khác.
- Có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
- Phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.
- Nhà ở riêng lẻ thuộc tuyến phố đã ổn định, chưa có quy hoạch phải phù hợp với các quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại khu vực nông thôn
Đối với trường hợp xây dựng nhà riêng lẻ ở khu vực nông thôn cần điều kiện: phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ gồm 3 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cá nhân, hộ gia đình cần chuẩn bị 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ gồm những loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu.
- Bản sao 1 trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.
- Bản sao 2 bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các loại giấy tờ trên, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của cá nhân, hộ gia đình đảm bảo an toàn cho công trình và lân cận.
- Nếu xây nhà ở riêng lẻ bên cạnh một công trình khác phải có bản cam kết của cá nhân, hộ gia đình đảm bảo an toàn cho công trình đó.
Nếu không có giấy phép xây dựng, công trình đang thi công bắt buộc phải tháo dỡ
Bước 2: Nộp hồ sơ cho UBND cấp huyện
Cá nhân, hộ gia đình cần nộp 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho UBND huyện nơi xây dựng để được giải quyết.
Bước 3: Nhận kết quả
UBND cấp huyện nơi xây dựng là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thời hạn sẽ là 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ và đã hợp lệ.
Đối với trường hợp cần phải xem xét thêm, UBND sẽ thông báo bằng cho cá nhân, hộ gia đình biết lý do bằng văn bản. Đồng thời, báo cáo cho cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét, chỉ đạo thực hiện nhưng không được quá 10 ngày, kể từ ngày hết hạn.
Lệ phí cấp giấy phép xây dựng: tùy theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi xin giấy phép.
Điều kiện để khởi công bắt đầu xây dựng công trình
Trường hợp xây dựng nhà ở phải xin GPXD, cá nhân, hộ gia đình chỉ được khởi công xây dựng khi đã có giấy phép được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.
Xử phạt khi xây nhà nhưng không có GPXD
Sẽ có 2 trường hợp bị xử phạt khi xây nhà nhưng không có GPXD sau:
Trường hợp | Mức xử phạt |
Không có giấy phép | Theo Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi xây dựng công trình nhưng không có GPXD sẽ bị phạt: - Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn tại nông thôn. - Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. |
Vẫn tiếp tục xây dựng hoặc tái phạm | Theo Khoản 8 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, xử phạt trường hợp xây dựng không có giấy phép đã bị lập biên bản hành chính nhưng vẫn tiếp tục xây dựng như sau: - Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng(10 – 20 triệu đồng trong trường hợp tái phạm) đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn tại nông thôn. - Từ 35 – 40 triệu đồng(70 – 80 triệu đồng trong trường hợp tái phạm) đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị. |
Biện pháp để khắc phục hậu quả
Theo Khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, ngoài mức xử phạt trên, cá nhân, hộ gia đình có hành vi xây dựng nhà ở không có giấy phép sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục là: bắt buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây xây dựng phi phạm đã xây xong.
Nếu không có GPXD, cá nhân, hộ gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng nếu xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị
Đối với nhà ở đang xây dựng không có GPXD vẫn đang thi công dở sẽ được xử lý:
- Lập biên bản hành chính, đồng thời yêu cầu cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm dừng thi công ngay lập tức.
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính, cá nhân/tổ chức vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GPXD.
- Hết thời hạn trên, cá nhân/tổ chức vi phạm không xin được giấy phép xây dựng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc tháo dỡ công trình.
Trên đây là tổng hợp những thông tin pháp lý bạn cần biết khi xây nhà ở vào năm 2021. Đừng quên thường xuyên theo dõi chuyên trang chúng tôi để được thưởng thức nhiều bài viết hữu ích khác bạn nhé!
Theo Thukyphaply.com
4.8/5 (93 votes)